<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=1289328872028675&amp;ev=PageView&amp;noscript=1">
Skip to content

Breaking down Silo – Giải pháp khi nhân viên làm việc rời rạc

by Admin on

Khi nhân sự làm việc rời rạc, đó là "cờ đỏ" cho thấy sắp tới doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tư duy Silo chính là nguyên nhân. Với lối tư duy này, nhân sự sẽ ngại giao tiếp và tạo ra khoảng cách với mọi người trong tổ chức. Kết quả là các sai sót trong công việc và trải nghiệm không tốt của khách hàng ngày một tăng lên, trong khi văn hóa, sự gắn kết và tinh thần hợp tác của tập thể giảm đi trông thấy. Ngay cả các team có nhân sự xuất sắc cũng trở nên kém hiệu quả, vì các thành viên không cộng tác chặt chẽ để cùng đạt mục tiêu chung của tổ chức.

Giao tiếp hiệu quả chính là chất keo giúp kết nối con người hoặc các đội nhóm lại với nhau, đó là lý do tại sao việc tồn tại tư duy Silo rất nguy hiểm. Nghiên cứu về nhận thức giao tiếp trong nơi làm việc do Fierce, Inc. thực hiện cho thấy "86% người tham gia nghiên cứu đổ lỗi cho sự thiếu hợp tác hoặc giao tiếp không hiệu quả là nguyên nhân dẫn đến thất bại tại nơi làm việc." Vì thế, chúng ta không thể phủ nhận rằng kết nối giữa các đội nhóm/phòng ban đóng vai trò quan trọng đối với thành công kinh doanh.

Hãy tìm hiểu thêm về Silo là gì, tại sao loại tư duy Silo cần được loại bỏ, các dấu hiệu nhận biết tư duy Silo đang tồn tại và năm phương pháp loại bỏ chúng khỏi doanh nghiệp của bạn.

Silo là gì?

Silo là danh từ chỉ một cấu trúc độc lập, tách biệt, dùng để lưu trữ thức ăn gia súc hoặc chứa tên lửa đạn đạo. Trong nghịch lý tổ chức, tư duy Silo là cách mô tả hành vi chỉ tập trung vào công việc của mình mà không chia sẻ thông tin với đồng nghiệp hoặc team khác. Điều này dẫn đến sự tự cô lập, tách biệt với các hoạt động chung của công ty. Những người có tư duy Silo thường coi thành viên của các bộ phận khác như "kẻ ngoài lề." Họ cũng không hiểu tại sao cần phải hợp tác hoặc thậm chí không biết cách để hợp tác. Do đó, họ giới hạn việc trao đổi thông tin và làm việc cùng các nhóm khác.

Tại sao loại tư duy Silo cần được loại bỏ

Những nhà lãnh đạo và nhân viên làm việc với tư duy Silo rất độc hại cho văn hóa của doanh nghiệp. Hậu quả của lối tư duy cổ hủ này là cản trở việc tạo ra giá trị và làm giảm hiệu quả kinh doanh của công ty. Một trong những hậu quả tồi tệ nhất của tư duy Silo là trải nghiệm khách hàng tiêu cực. Hành trình xây dựng trải nghiệm khách hàng xuất sắc trở nên khó khăn hơn gấp mười lần khi tư duy Silo (làm cản trở việc giao tiếp và hợp tác) tồn tại trong tổ chức. Suy cho cùng thì nhiệm vụ của một doanh nghiệp là đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của khách hàng. Và vì khách hàng là nguồn sống của một tổ chức,  nên việc dung túng cho tư duy Silo trong doanh nghiệp là một sai lầm kinh doanh mà các lãnh đạo tuyệt đối không nên thỏa hiệp.

Dưới đây là một số ví dụ về tác động tiêu cực của tư duy Silo:

  • Sự cạnh tranh không lành mạnh gia tăng giữa các nhân viên.
  • Hình thành kiểu văn hóa team khiến một số thành viên cảm thấy lạc lõng, không kết nối được với đồng nghiệp.
  • Những sai sót của nhân sự ở team khác được xem như "chiến tích", mặc dù doanh nghiệp chịu thiệt hại.
  • Thiếu giao tiếp khiến công việc trở nên chậm hơn, giống như việc nhiều người cố gắng làm cùng một công việc mà không nói chuyện với nhau.
  • Nhân viên không rõ về mục tiêu tổng thể của tổ chức và cách các nhóm hoặc phòng ban khác sẽ đóng vai trò gì trong việc đạt được mục tiêu đó.
  • Trách nhiệm và cam kết của nhân viên giảm đi, vì họ dễ dàng đổ lỗi cho người khác.
  • Sự gắn kết của nhân viên giảm đi, bởi những người xuất sắc nhận ra sự bất công và không hiệu quả mà tư duy Silo gây ra.

Các dấu hiệu cho thấy tổ chức đang tồn tại kiểu tư duy Silo

Nếu bạn nghi ngờ có dấu hiệu của tư duy Silo tồn tại trong doanh nghiệp của bạn, hãy kiểm tra những dấu hiệu bên dưới đây và so sánh với tình hình đang diễn ra tại doanh nghiệp của bạn.

1. Thiếu giao tiếp

Dấu hiệu phổ biến nhất của tư duy Silo là thiếu giao tiếp giữa các cá nhân, các team/phòng ban khác nhau. Việc thiếu giao tiếp thường dẫn đến các tình huống đổ lỗi. Ví dụ khi một dự án bị trì hoãn, người có tư duy Silo đổ lỗi cho các phòng ban khác là cho rằng đó là lý do họ không thể tiếp tục công việc của mình. Báo cáo kiểu từ chối trách nhiệm như: "Tôi hoàn toàn không biết ở phòng IT họ đang làm gì. Không khi nào tôi gọi đến mà có ai nhấc máy phản hồi cho tôi." Nhân viên, dù ở bất kỳ vị trí nào, nên được nhìn thấy tiến độ công việc đang được thực hiện bởi các phòng ban khác như thế nào và có công cụ giao tiếp giúp hỗ trợ phản hồi nhanh chóng, kịp thời. 

Vấn đề giao tiếp xuất hiện khi:

  • Nhân viên không biết những phòng ban khác đang làm gì và cách họ góp phần vào mục tiêu tổng thể của công ty.
  • Nhân sự trong team không biết ai khác trong công ty ngoài team của họ.
  • Quản lý hoặc lãnh đạo che giấu thông tin quan trọng khỏi các team khác.
  • Có trường hợp các cá nhân được giao thực hiện công việc tương tự nhau.
  • Các đội không có các công cụ giao tiếp cần thiết để liên lạc với mọi người trong công ty.

2. Khách hàng không hài lòng

Khi giao tiếp và hợp tác bị ảnh hưởng bởi tư duy Silo, khách hàng sẽ gặp khó khăn trong việc nhận được kết quả mà họ mong muốn. Người mua hàng là những nhà tiếp thị tốt nhất của một doanh nghiệp. Nhưng nếu họ trải qua một trải nghiệm mua hàng không tốt, họ cũng có thể tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bằng cách viết các đánh giá không tốt hoặc ngăn cản khách hàng khác tiếp cận doanh nghiệp. Các review, feedback và testimonial là một phần quan trọng của quá trình quyết định mua hàng của khách hàng. Nghiên cứu từ Brightlocal cho thấy 87% người tiêu dùng tham khảo đánh giá trực tuyến trước khi quyết định mua hàng. Các đánh giá về trải nghiệm khách hàng tồi tệ có thể dẫn đến mất mát nghiêm trọng về doanh số bán hàng.

Các ví dụ về khách hàng không hài lòng bao gồm:

  • Những đánh giá không tốt về sản phẩm, dịch vụ hoặc dịch vụ chăm sóc khách hàng được đăng lên các tài khoản mạng xã hội của doanh nghiệp
  • Điểm đánh giá thấp trên Google hoặc trang web của công ty.
  • Thiếu khách hàng trung thành lâu dài cung cấp giới thiệu khách hàng.

3. Năng suất thấp

Khi tư duy Silo tồn tại trong một doanh nghiệp, năng suất giảm đi vì các nhân sự không hợp tác để cùng nhau đạt được các mục tiêu chung. Thay vào đó, các quy trình, thủ tục không cần thiết tăng lên và làm trì trệ việc triển khai ngay cả đối với những sáng kiến nhỏ. Cuối cùng, doanh nghiệp mất đi sự kiểm soát về mức độ ưu tiên của các mục tiêu kinh doanh vì mỗi team/phòng ban sẽ đề ra các kế hoạch làm việc với các ưu tiên công việc và thời hạn không hề đồng bộ với nhau. Ví dụ, hãy tưởng tượng sáu team bắt đầu sáu dự án độc lập thay vì làm việc cùng nhau để hoàn thành chúng. Thiếu sự đồng nhất gây ra sự suy giảm năng suất và cuối cùng ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp.

Dấu hiệu mất năng suất có thể có nếu:

  • Nhân viên không tham gia và đưa ra ý kiến kiểu như "Mục đích của việc này là gì? Vì hầu như mọi thứ đều không bao giờ được triển khai."
  • Tốc độ triển khai chậm chạp khi các sáng kiến đòi hỏi cần sự hợp tác giữa các team/phòng ban.
  • Mọi người cảm thấy không hài lòng với việc phải hoàn thành công việc một cách nhanh chóng, nhưng sau đó lại phải chờ đợi một thời gian dài để thấy kết quả hoặc tiếp tục công việc tiếp theo. Điều này thường gây sự bất mãn vì làm mất thời gian của họ. 

4. Thiếu trách nhiệm

Những người làm việc trách nhiệm là những người làm việc sát sao nhất. Khi họ có sự đầu tư công sức vào công việc của mình, họ sẵn lòng đảm nhận trách nhiệm về bản thân và đảm bảo công việc của họ được hoàn thành. Khi xảy ra sự cố hoặc sai lầm, họ luôn muốn mọi thứ trở lại quỹ đạo một cách nhanh chóng nhất vì họ quan tâm đến hậu quả của việc này sẽ ảnh hưởng thế nào đến đồng nghiệp và doanh nghiệp. Tuy nhiên, tư duy Silo làm cho việc nhận lãnh trách nhiệm trở nên khó khăn. Những nhân sự ở các team không có tư duy hợp tác thì chỉ quan tâm đến sự phát triển của riêng họ, vì vậy các sai sót trở thành vấn đề của người khác.

Dưới đây là các dấu hiệu của việc thiếu trách nhiệm:

  • Không truyền đạt rõ kỳ vọng khi giao việc.
  • Nhân viên thường đổ lỗi cho người khác về các sai lầm của họ.
  • Lý do như "đó không phải là công việc của tôi" thường xuyên xuất hiện.

5. Thiếu một thông điệp thương hiệu (brand message) thống nhất

Khi các phòng ban khác nhau trong cùng một doanh nghiệp giao tiếp và hợp tác, họ sẽ sử dụng thông điệp thương hiệu để giao tiếp. Thông điệp thương hiệu là cách mà một doanh nghiệp truyền đạt chiến lược của mình về cách sản phẩm hoặc dịch vụ của họ mang lại giá trị cho khách hàng. Trong một công ty lành mạnh, thông điệp này được duy trì nhất quán trên các điểm tiếp xúc thương hiệu khác nhau như email, quảng cáo, bài đăng trên mạng xã hội và mô tả sản phẩm. Trong một công ty có tư duy Silo, các team/phòng ban sẽ tạo ra thông điệp riêng để quảng bá những gì họ cho là quan trọng. Việc này làm cho thông điệp thương hiệu của doanh nghiệp trở nên mơ hồ, gây ra sự nhầm lẫn và làm cản trở hành trình mua hàng của khách hàng. 

Dấu hiệu của tư duy Silo trong cách truyền đạt thông điệp thương hiệu của doanh nghiệp:

  • Các phòng ban khác nhau sử dụng ngôn ngữ khác nhau khi giao tiếp với khách hàng.
  • Doanh nghiệp không có một giọng điệu thương hiệu (brand voice) thống nhất trên suốt hành trình mua hàng của khách hàng.
  • Sự không nhất quán hiện diện trên các điểm tiếp xúc thương hiệu như trang web, tài khoản mạng xã hội và kênh bán hàng.

Breaking down Silo – Làm thế nào để loại bỏ tư duy Silo trong tổ chức?

Nếu doanh nghiệp của bạn đã trải qua bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, hãy hành động ngay lập tức để loại bỏ kiểu tư duy độc hại này. Tìm hiểu 5 chiến lược dưới đây để loại bỏ tư duy Silo và phát triển một văn hóa kết nối và hợp tác cho doanh nghiệp của mình. 

1.  Rõ mục tiêu chung – Truyền đạt rõ ràng về Tầm nhìn và Sứ mệnh của doanh nghiệp

Bước đầu tiên trong việc loại bỏ tư duy Silo chính là phát triển tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp và đảm bảo toàn bộ nhân sự đều rõ ràng về thông tin này. Bắt đầu từ đó, tất cả các nhân sự mới có cơ hội để đưa ra các sáng kiến, dù có thể chỉ là những sáng kiến nhỏ, nhưng đóng góp trực tiếp vào tầm nhìn và sứ mệnh chung. Trách nhiệm của các nhà lãnh đạo là tạo ra một chiến lược kinh doanh phù hợp với việc đạt được tầm nhìn - sứ mệnh mà ban lãnh đạo đã thống nhất. Đây chính là bánh răng quan trọng trong tổ chức, giúp cho tất cả mọi người, ở mọi phòng ban có thể làm việc ăn khớp với nhau. Khi các nhà quản lý không truyền đạt được tầm nhìn - sứ mệnh của doanh nghiệp, nhân viên sẽ phải tự đưa ra giả định. Do đó, các team/phòng ban sẽ bắt đầu rời xa các mục tiêu chung của tổ chức.

Để truyền thông về tầm nhìn và sứ mệnh cho tất cả mọi người trong doanh nghiệp:

  • Rõ ràng về tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Có cần cập nhật thông tin này không? Hãy xem xét chúng cùng với ban lãnh đạo để đảm bảo rằng chúng chính xác, rõ ràng và được đồng thuận bởi tất cả các lãnh đạo trong doanh nghiệp.
  • Đào tạo các quản lý cấp cao, giám đốc, quản lý và nhân viên về cách truyền đạt mục tiêu và sứ mệnh của doanh nghiệp. Kỹ năng này là quan trọng để tạo ra một môi trường làm việc hợp tác.
  • Trong mọi quyết định và hành động mà doanh nghiệp thực hiện, hãy xem "mục tiêu" là yếu tố quan trọng và cần được cân nhắc đầu tiên. Và đảm bảo rằng mục tiêu lớn (tầm nhìn), mục tiêu cụ thể (sứ mệnh), và lý do tại sao doanh nghiệp tồn tại (mục đích) nên được liên kết và phản ánh trong mọi hoạt động, quyết định và công việc hàng ngày của doanh nghiệp. Điều này giúp mọi người cùng hướng về mục tiêu và đóng góp vào sự phát triển chung của doanh nghiệp.

2. Hướng về mục tiêu – Xác định mục tiêu và ưu tiên cụ thể

Để đảm bảo rằng mọi người đang làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu chung, cần phải xác định mục tiêu và ưu tiên cụ thể cho từng đội nhóm và phòng ban. Các mục tiêu này cần phải hỗ trợ mục tiêu và sứ mệnh của doanh nghiệp, và cần phải được truyền đạt một cách rõ ràng cho tất cả nhân viên. Việc này giúp mọi người hiểu rằng công việc của họ ảnh hưởng đến sự thành công chung của doanh nghiệp như thế nào và giúp loại bỏ tư duy Silo.

Cách triển khai:

  • Xác định mục tiêu cụ thể cho từng đội nhóm và phòng ban. Đảm bảo rằng mỗi mục tiêu đều có một mối liên hệ rõ ràng với tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp.
  • Xác định ưu tiên cho từng mục tiêu. Điều này giúp tập trung nguồn lực vào những gì quan trọng nhất.
  • Truyền đạt mục tiêu và ưu tiên này ở quy mô toàn công ty thông qua các cuộc họp, tài liệu và các hình thức giao tiếp khác.

3. Chia sẻ thông tin – Tạo môi trường hợp tác và giao tiếp lành mạnh

Để loại bỏ tư duy Silo, điều cần phải làm tiếp theo là tạo ra một môi trường mà mọi người đều đang làm việc cùng nhau và chia sẻ thông tin một cách hợp tác. Điều này có thể được thực hiện bằng cách tạo ra các cơ hội giao tiếp, khuyến khích trao đổi thông tin và tạo ra môi trường mà mọi người cảm thấy tự tin để đóng góp ý kiến.

Để thiết lập văn hóa hợp tác và môi trường giao tiếp lành mạnh hơn:

  • Tổ chức các cuộc họp định kỳ giữa các đội nhóm và phòng ban khác nhau để thảo luận về các dự án, mục tiêu và thách thức chung.
  • Sử dụng các công cụ giao tiếp như  Slack, Zoom và Microsoft Teams để chia sẻ thông tin nhanh, tức thời.
  • Sử dụng nền tảng cộng tác và phần mềm quản lý dự án như Asana để tạo một kênh liên lạc chính thống, đảm bảo thông tin chính xác và cập nhật liên tục, giúp cho việc hợp tác liên phòng ban trở nên thông suốt hơn. 
     

4. Kết nối nhân sự – Thiết lập môi trường làm việc hợp tác và giúp nhân sự kết nối

4.1 Loại bỏ thái độ cạnh tranh giữa các đội nhóm/phòng ban

Gắn kết các nhóm bằng một cuộc thi liên quan đến tiền bạc thường được xem là một cách tuyệt vời để khuyến khích mọi người tham gia. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học liên tục cho thấy rằng khuyến khích cạnh tranh trong nơi làm việc không có lợi cho nhân viên, văn hóa đội nhóm hoặc doanh nghiệp. Ví dụ, nghiên cứu được thực hiện bởi Liad Bareket-Bojmel, Guy Hochman và Dan Ariely đã tìm thấy sự tham gia của nhân viên giảm sau khi cuộc thi về tiền bạc kết thúc. Tuy nhiên, những người được thưởng bằng sự công nhận và đánh giá bằng lời nói lại càng ngày càng tương tác nhiều hơn. Chính vì thế, thay vì tạo ra môi trường cạnh tranh và khuyến khích mọi người cạnh tranh với nhau (điều này có thể dẫn đến "vách ngăn tinh thần" giữa các thành viên trong tổ chức), hãy công nhận và đánh giá công việc của mỗi cá nhân. Cũng như xây dựng sự kết nối giữa các nhiệm vụ, dự án với mục tiêu và thành tựu lớn hơn của tổ chức. Cách làm này sẽ giúp tạo ra một tinh thần đoàn kết mạnh mẽ hơn và hướng mọi người đến sự thành công chung của doanh nghiệp.

Tăng cường sự gắn kết và tinh thần đồng đội trong tổ chức: 

  • Loại bỏ tất cả các chính sách, môi trường cạnh tranh trong doanh nghiệp. 
  • Tôn vinh thành tích của tập thể.
  • Đào tạo và tuyên truyền về tư duy làm việc nhóm.
  • Đặt tinh thần đồng đội lên hàng đầu và yêu cầu mọi người tuân thủ những nguyên tắc này.

4.2 Giới thiệu các nhân sự ở các đội nhóm/phòng ban khác nhau trong tổ chức

Tạo điều kiện để mọi người có cơ hội làm việc cùng những người ở các phòng ban khác. Ví dụ, cho phép nhân viên dành một thời gian để tìm hiểu công việc của người khác ở một vị trí khác. Điều này sẽ tạo ra sự kết nối, sự hiểu biết và sự tôn trọng mà trước đó chưa có. Ví dụ, cho phép một người thiết kế dành thời gian làm việc cùng các thành viên ở phòng ban AI (Trí tuệ nhân tạo) trong một ngày. Khi những người làm việc không thường xuyên gặp nhau, họ có cơ hội đặt câu hỏi, tìm hiểu thêm về công việc của nhau và thắt chặt mối quan hệ. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Hơn nữa, tổ chức cũng có thể tổ chức các trải nghiệm tương tác giữa các đội nhóm với background khác nhau. Có thể bắt đầu bằng cách thành lập một nhóm lãnh đạo với các quan điểm đa dạng, tổ chức một chuyến đi tập huấn hoặc một ngày tham gia các hoạt động cộng đồng ở quy mô toàn công ty.

Một số ý tưởng khác để củng cố mối quan hệ nội bộ bao gồm:

– Triển khai chương trình mentorship ở quy mô toàn doanh nghiệp.
– Thành lập một nhóm đa năng giúp sắp xếp ưu tiên các sáng kiến trong doanh nghiệp và thúc đẩy triển khai các sáng kiến đó
– Tổ chức cùng nhau các lễ kỷ niệm các cột mốc và thành tựu lớn của công ty.

5. Xây dựng đội ngũ lãnh đạo mạnh mẽ chống lại "tư duy Silo"

Tư duy Silo là vấn đề về lãnh đạo vì người có trách nhiệm loại bỏ chúng ra khỏi tổ chức chính là các nhà lãnh đạo. Như chuyên gia về lãnh đạo John C. Maxwell viết trong một bài viết trên trang web của mình: "Vẫn là trách nhiệm của một người lãnh đạo khi bất kỳ "tư duy silo" nào xuất hiện; nếu bạn không làm gì và để mặc cho các mâu thuẫn xuất phát từ "tư duy Silo" tồn tại, kiểu tư duy này sẽ ngày càng dày đặc hơn, hoặc tệ hơn nữa, ngày càng lan rộng ra." Dù vậy, điều này không có nghĩa là leader phải thường trực giám sát, canh chừng xem có dấu hiệu của "tư duy Silo" hay không. Bởi nếu thực hiện máy móc theo cách đó, họ sẽ chẳng còn thời gian để làm việc gì khác. Đây là lý do tại sao việc phát triển đội ngũ lãnh đạo chống lại "tư duy Silo" ở mọi cấp bậc trong doanh nghiệp là một việc quan trọng.

Để xây dựng một đội ngũ lãnh đạo chống "tư duy Silo":

  • Truyền đạt rõ ràng và duy trì các giá trị của công ty: Đảm bảo rằng mọi người trong tổ chức đều hiểu và tuân thủ các giá trị cốt lõi của công ty. Sự thống nhất trong việc thực hiện các giá trị này sẽ giúp tạo ra một môi trường làm việc tích cực.
  • Minh chứng bằng hành động: Hãy cho nhân viên thấy những ví dụ cụ thể về lãnh đạo dựa trên tinh thần phục vụ (servant leadership) thông qua việc đặt nhu cầu của người khác lên trên hết. Điều này góp phần xây dựng một môi trường làm việc hợp tác và tràn đầy tinh thần đồng đội.
  • Cung cấp cơ hội và hướng dẫn: Tạo điều kiện cho những người có tiềm năng lãnh đạo để phát triển và mở rộng kỹ năng của họ. Điều này có thể bao gồm cơ hội học hỏi, khóa đào tạo, hoặc chương trình hướng dẫn đội ngũ.
  • Xây dựng mạng lưới hợp tác: Phát triển một mạng lưới trong tổ chức đảm bảo sự hợp tác, làm việc nhóm và cộng tác lan tỏa tự do. Điều này giúp mọi người kết nối và hợp tác dễ dàng hơn, từ đó góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp.

Thiết lập một mục tiêu có thể đo lường được cho việc ứng dụng kỹ năng hợp tác trong doanh nghiệp

Khi làm việc cộng tác không được quan tâm đúng mực, theo một cách nào đó, doanh nghiệp đã bắt đầu trải nghiệm những mất mát. Không chú trọng xây dựng môi trường làm việc cộng tác có thể dẫn đến việc mất đi các nhân sự có giá trị hoặc bỏ lỡ cơ hội có được lợi nhuận do thiếu giao tiếp dẫn đến các sai lầm kinh doanh nghiêm trọng. Công ty nghiên cứu dữ liệu quốc tế (International Data Corp) báo cáo rằng các công ty trong danh sách Fortune 500 thất thoát ít nhất 31.5 tỷ đô la mỗi năm khi kiến thức không được chia sẻ giữa các nhân sự với nhau. Với bằng chứng đó, chúng ta không thể phủ nhận rằng tư duy Silo là nguyên nhân lớn giải thích cho các hậu quả không mong muốn như công việc kém hiệu quả, nhân sự bớt sáng tạo và sụt giảm doanh thu.

Để khắc phục tình trạng này, biện pháp tối ưu nhất là tạo ra một môi trường làm việc thúc đẩy tinh thần cộng tác và đặt tinh thần làm việc nhóm lên hàng đầu. Trong danh sách các tiêu chí đánh giá nhân viên thường kỳ nên bao gồm các tiêu chí đánh giá về khả năng hợp tác và làm việc nhóm. Một báo cáo từ i4cp cho thấy chỉ có 25% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ có "kết hợp cách thức làm việc cộng tác hiệu quả với việc đánh giá và quản lý hiệu suất của nhân viên trong doanh nghiệp", trong khi đó, các tổ chức hoạt động hiệu quả lại đặc biệt nhấn mạnh yếu tố cộng tác quan trọng như thế nào trong việc đạt được các mục tiêu về hiệu suất công việc của tổ chức, cao gấp 3 đến 5,5 lần so với các tổ chức khác. Điều quan trọng là, họ rất quan tâm đến việc tạo ra một môi trường cộng tác hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp khác.

Hãy bắt đầu đo lường các chỉ số về cộng tác, đặt ra KPIs, OKRs hoặc bất kỳ chỉ số đo lường hiệu suất khác để theo dõi khả năng làm việc cộng tác của doanh nghiệp. Và quan trọng là mọi sự thay đổi đều cần thời gian, nhận diện được vấn đề đã là một bước tiến dài so với trước đây. Chúc các nhà lãnh đạo luôn kiên tâm và bền bỉ để xây dựng được một môi trường làm việc cộng tác thật hiệu quả cho doanh nghiệp/tổ chức của mình. 

Khám phá công cụ hỗ trợ cộng tác Asana

Công cụ hợp tác là những phần mềm hay ứng dụng giúp các cá nhân hay nhóm có thể giao tiếp, chia sẻ và quản lý công việc một cách hiệu quả. Không chỉ là phương tiện liên lạc và trao đổi, những công cụ hợp tác cao cấp hơn còn tạo ra một không gian làm việc chung cho mọi người có thể cộng tác và truy cập thông tin dễ dàng.

(Xem: Asana là gì?)

Một công cụ hợp tác tốt là công cụ như thế nào?

Một công cụ hợp tác tốt sẽ giảm thiểu các rào cản về giao tiếp và thông tin bằng cách tập trung công việc của bạn ở một nơi. Mọi người có thể theo dõi ai đang làm gì, trao đổi công việc và đóng góp ý kiến. Và giúp bạn đảm bảo các dự án được hoàn thành đúng hạn.

⎯⎯⎯⎯⎯⎯⎯

Nguồn:

How to Prevent Siloed Teams and Encourage Teamwork (leaders.com) 

How to Break Team Silos With These 5 Tips - Salesforce.com - Salesforce.com